Nghiên cứu của 26 chuyên gia khẳng định tàu cá đánh bắt bằng lưới kéo đã phá vỡ kho chứa CO2 tự nhiên dưới đáy biển. Mức phát thải khí CO2 của tàu cá cao hơn cả máy bay.
Khi nói đến khí thải CO2 gây ô nhiễm, chúng ta thường đổ lỗi cho máy bay. Thật ra tàu cá phát CO2 nhiều không kém. Đứng đầu là các đội tàu cá Trung Quốc.
770 triệu tấn CO2 từ tàu cá Trung Quốc. Khí thải CO2
Trung tuần tháng 3-2021, tạp chí Nature đã đăng nghiên cứu với đầu đề “Bảo vệ đại dương toàn cầu về đa dạng sinh học, lương thực và khí hậu”. Nghiên cứu do 26 chuyên gia về khí hậu học, sinh học và kinh tế học của Mỹ, Úc, Canada, Pháp, Đức và Philippines thực hiện.
Nghiên cứu kết luận các tàu lưới kéo cào ở tầng đáy đã thải ra từ 600-1.500 triệu tấn CO2 mỗi năm, tức nhiều hơn lượng CO2 phát thải từ vận tải hàng không (918 triệu tấn năm 2018).
Tàu đánh bắt bằng lưới kéo càn quét gây xáo trộn đáy biển – Ảnh: aquaportail.com
GS Enric Sala ở Hội Địa lý quốc gia Mỹ – tác giả chính của nghiên cứu – cùng các đồng nghiệp đã phân tích ảnh vệ tinh chụp từ năm 2016-2019 và nhận thấy tàu lưới kéo hoạt động thường xuyên trên khoảng 1,3% diện tích đại dương (4,9 triệu km2).
Trong số CO2 do tàu lưới kéo phát ra, có khoảng 770 triệu tấn CO2 của các đội tàu cá Trung Quốc. Kế đến là các tàu cá của Nga, Ý, Anh, Đan Mạch, Pháp, Hà Lan, Na Uy, Croatia và Tây Ban Nha.
Một phần CO2 trong không khí đi vào nước rồi được lưu trữ dưới đáy biển – bể chứa tự nhiên của CO2.
Tàu cá kéo rê lưới kéo hình nón dài dưới đáy biển chẳng những đánh bắt cá không chọn lọc mà còn thải CO2 từ xăng dầu, gây thiệt hại đáy biển vì làm suy giảm môi trường sống tự nhiên của các sinh vật và gây xáo trộn đáy biển khiến CO2 thoát vào nước và sau đó đi vào khí quyển.
Làm thế nào để bảo vệ đáy biển?
Tàu lưới kéo đánh bắt bất kể cá nhỏ hay cá lớn – Ảnh: SIPA
Các tác giả nghiên cứu giải thích 1.500 triệu tấn CO2 thải ra đại dương chỉ chiếm 0,02% tổng lượng carbon trầm tích biển, nhưng con số này tương đương 15-20% CO2 trong khí quyển được đại dương hấp thụ mỗi năm.
Để giảm thiểu tác động xấu từ tàu lưới kéo, các tác giả nghiên cứu chủ trương thành lập các khu vực bảo vệ là nơi lưu trữ carbon trầm tích ở mức cao nhất và nơi diễn ra hoạt động đánh bắt công nghiệp mạnh nhất.
Các khu vực này bao gồm lãnh hải Trung Quốc, bờ biển Đại Tây Dương ở châu Âu và các vùng biển nước trồi. Phần lớn các khu vực này đều nằm trong vùng biển quốc gia nên dễ dàng thực thi các quy định thích hợp.
Các tác giả khẳng định: “Chỉ cần bảo vệ 3,6% đại dương là đủ để loại bỏ 90% nguy cơ xáo trộn carbon trầm tích”.
Nếu muốn mở rộng mục tiêu bảo vệ gồm bảo tồn đa dạng sinh học và cung cấp thực phẩm (bảo tồn nguồn cá), cần nâng mức bảo vệ lên 28% đại dương (hiện nay chỉ 2,7% đại dương được bảo vệ).
Năm 2016, châu Âu đã cấm đánh bắt cá bằng lưới kéo dưới mực nước sâu trên 800m (hoặc 400m tại các vùng biển dễ bị tổn thương). Dù vậy, tàu lưới kéo vẫn tung hoành trên vùng biển quốc tế chiếm 60% diện tích biển.
Đánh cá bằng lưới kéo không phải là mối đe dọa duy nhất đối với đáy biển. Khai thác khoáng sản cũng có thể dẫn đến xáo trộn trầm tích dù hoạt động này ít rầm rộ hơn.